[Eco-Fair] Đất bị thoái hóa có thể cải tạo nhờ than sinh học?

 

Đất thoái hóa là đất bị suy giảm các đặc tính vật lý, hóa học và sinh học hoặc hạn chế sự phát triển của cây trồng. Nguyên nhân tạo thành đất xấu có thể do quá trình hình thành đất, nhưng một nguyên nhân lớn là do thực hành canh tác không phù hợp hoặc ô nhiễm do con người gây ra. Thế giới đã mất một phần ba diện tích đất canh tác do xói mòn và ô nhiễm trong 40 năm qua. Vì vậy, việc cải thiện và khắc phục các vấn đề trong đất là rất cấp bách và cần thiết. Với đặc tính thành phần tự nhiên có chứa tới 60 – 80% cacbon và diện diện tích bề mặt hoạt động cao, than sinh học được sử dụng để cải thiện chất lượng đất.

Cây trồng mọc trên đất trộn than sinh học (Nguồn: thí nghiệm của kỹ sư nông nghiệp dự án Eco-Fair).

Đặc tính của than sinh học giúp cải tạo đất

Cải thiện các đặc tính vật lý của đất thoái hóa: việc bổ sung than sinh học vào đất thoái hóa sẽ làm tăng độ xốp của đất và cải thiện cấu trúc đất, góp phần điều hòa nước trong đất. 

Cải thiện các đặc tính hóa học của đất thoái hóa: hiện nay quá trình axit hóa đang diễn ra rộng rãi trên toàn cầu, sử dụng than sinh học có thể làm giảm tính axit của đất, bởi than sinh học có tính kiềm, khả năng đệm pH cao để giữ ổn định pH của đất. Bên cạnh đó, than sinh học còn có tác dụng cải thiện độ màu mỡ của đất bị  thoái hóa, bởi nó được xem là một loại phân bón hữu cơ có chức các cacbon hữu cơ và các chất dinh dưỡng cho cây trồng, như nito, photpho, kali, canxi, magie, lưu huỳnh, sắt, mangan, đồng, kẽm và silic. Tùy thuộc vào mức độ thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong mỗi loại đất, than sinh học từ các loại sinh khối khác nhau có thể giúp bổ sung thêm các chất dinh dưỡng thiếu hụt này. Ví dụ, than sinh học có nguồn gốc từ vỏ trấu và các loài cây cỏ có thể bổ sung thêm hàm lượng silic trong đất, than sinh học có nguồn gốc từ các loại đậu nành có chứa hàm lượng nito cao…

Hình ảnh đất trộn than sinh học để trồng cây (Nguồn: thí nghiệm của kỹ sư nông nghiệp dự án Eco-Fair).

Cải thiện chất lượng đất bị ô nhiễm kim loại nặng và các chất ô nhiễm hữu cơ: do than sinh học có diện tích bề mặt lớn, lượng lỗ rỗng trong than đa dạng và thành phần than chứa nhiều nhóm chức, nên than sinh học có hiệu quả cao trong hấp thụ các kim loại nặng như chì, cadimi, crom…

Cải thiện các đặc tính sinh học của đất: bởi vì than sinh học có rất nhiều lỗ rỗng, nên các lỗ rỗng này đóng vai trò như các khu vực khu trú của các loài vi sinh học, chúng sử dụng cacbon, chất dinh dưỡng, các chất khí và nước từ than sinh học để sinh trưởng và sinh sản.  

Đất tốt là một yếu tố quan trọng quyết định tới sản lượng cây trồng. Tuy nhiên, hiện nay một diện tích lớn đất nông nghiệp bị suy giảm chất lượng bởi các quá trình axit hóa, kiềm hóa, nhiễm mặn, suy giảm chất dinh dưỡng, đất bi phá hỏng cấu trúc, bị ô nhiễm. Với tất cả những tác dụng đã kể trên, than sinh học có thể là một giải pháp hiệu quả với chi phí thấp để cải thiện độ màu mỡ của đất nông nghiệp và tăng sản lượng cho các vụ gieo trồng.

Hòa Nguyễn.

 

Đối tác