[Eco-Fair] Đối thoại Chính sách trực tuyến về “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm nông sản sinh thái – công bằng"
Ngày 21 tháng 12 năm 2021, tại Hà Nội, trong khuôn khổ dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái- công bằng tại Việt Nam” (Dự án Eco-Fair) do Liên minh Châu Âu đồng tài trợ thông qua Chương trình SWITCH-Asia của liên minh Châu Âu, VIRI và các đối tác đã tổ chức Đối thoại Chính sách trực tuyến về “XÚC TIẾN CUNG VÀ CẦU CHO CÁC SẢN PHẨM NÔNG SẢN SINH THÁI – CÔNG BẰNG”.
Các khách mời tham dự hội thảo (Nguồn: CCS)
Buổi hội thảo đã chia sẻ một số kết quả và tác động của dự án Eco-Fair, lan tỏa ủng hộ sản xuất bền vững và tiêu dùng bền vững cho các sản phẩm nông sản sinh thái - công bằng, đề xuất các chính sách hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, buổi hội thảo cũng hướng tới mục tiêu gia tăng cơ hội cho các đơn vị sản xuất và nâng cao nhận thức người tiêu dùng, thúc đẩy thực hành sản xuất và tiêu dùng bền vững, có trách nhiệm với môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động sản xuất và chế biến của các đơn vị cũng như các hành vi tiêu dùng lên môi trường; góp phần vào sự thịnh vượng kinh tế và phát triển sinh kế bền vững và kinh tế xanh trong sự chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, hiệu quả tài nguyên và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Đại diện của Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, chuyên gia và cán bộ trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí đã tham dự và đóng góp ý kiến về cho buổi đối thoại. Về phía Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS), Ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc Trung tâm đã chia sẻ những kết quả và tác động ban đầu của dự án Eco-Fair nhằm thúc đẩy thực hành sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) trong chuỗi cung ứng các sản phẩm nông sản sinh thái - công bằng, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn, sinh kế bền vững ở Việt Nam.
Chịu trách nhiệm cho hợp phần đổi mới sản phẩm và đổi mới công nghệ trong dự án Eco-fair, Trung tâm CCS đã thực hiện trên 200 cuộc khảo sát, đánh giá nhanh 174 doanh nghiệp để lựa chọn được 33 doanh nghiệp đánh giá chuyên sâu về đổi mới sản phẩm và đổi mới công nghệ; đưa ra định hướng và giải pháp đổi mới sản phẩm và công nghệ doanh nghiệp. CCS cũng hợp tác với các chuyên gia để xác định các điểm nóng và định hướng phát triển các loại sản phẩm của doanh nghiệp, cũng như đưa ra các giải pháp đổi mới sản phẩm và công nghệ phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp.
Giám đốc Trung tâm CCS trình bày về kết quả thực hiện dự án Eco-Fair của CCS
Một số công nghệ tiềm năng CCS giới thiệu và áp dụng rộng rãi cho các MSMEs:
• Cải thiện và làm sạch đất (sử dụng than sinh học)
• Xử lý nước thải sử dụng than sinh học
• Công nghệ khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích (VCBG)
• Các kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững (khoảng 20 kỹ thuật, bao gồm: nuôi ruồi lính đen, nuôi trùn quế, ủ phân hữu cơ, cây che phủ…)
• Nhà sấy năng lượng mặt trời dạng hybrid (nhiệt từ mặt trời kết với VCBG)
Hội thảo đã diễn ra thành công với sự tham dự của gần 180 khách mời và ban tổ chức, chia sẻ kiến thức bổ ích về các sản phẩm nông sản sinh thái, là nơi giao lưu, học hỏi giữa các đơn vị, doanh nghiệp với nhau.
Hoà Nguyễn.