Công nghệ đóng gói bền vững
Trong sản xuất, bao bì sản phẩm chỉ chiếm từ 5-15% chi phí nhưng nếu đóng gói đúng cách sẽ giúp giảm tới 50% tỉ lệ sản phẩm hỏng. Thêm vào đó, việc sử dụng vật liệu đóng gói thích hợp không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển mà còn làm tăng hiệu quả của quá trình tái chế sản phẩm sau khi bị thải bỏ. Trong các dự án của mình, đặc biệt là dự án SPIN, CCS đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm và các sản phẩm khác cải tiến khâu đóng gói sản phẩm của họ nhằm đạt hiệu quả cao nhất cũng như thân thiện với môi trường: thiết kế lại bao gói theo hướng bền vững hơn và tăng khả năng tái sử dụng bao gói, chuyển sang sử dụng các loại vật liệu đóng gói thích hợp có khả năng tự phân hủy sinh học và không gây tác động lên môi trường sống.
Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không thực sự chú ý tới vấn đề bao gói sản phẩm. Trong tình hình hiện nay, họ chỉ coi bao gói là một phần của sản phẩm chứ chưa coi đó là yếu tố giúp tăng khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường. Do đó, các thiết kế bao gói sản phẩm của các doanh nghiệp này còn mang tính thụ động, phi chiến lược và đặc biệt là thiếu định hướng. Tại hơn 80% các doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở Việt Nam, sản phẩm được nghiên cứu và phát triển theo hệ thống. Tuy nhiên, bao gói sản phẩm không do họ tự thiết kế mà đặt hàng từ các doanh nghiệp cung ứng khác. Do không có chiến lược xây dựng thương hiệu và tiếp thị phù hợp cho mảng đóng gói, các doanh nghiệp này phải đầu tư rất nhiều tài chính cho việc quảng cáo sản phẩm của họ. CCS đã hỗ trợ các doanh nghiệp này bằng cách phát triển các chiến lược xây dựng thương hiệu và tiếp thị cho mảng đóng gói của họ, và đã đạt được các kết quả khả quan nhất định.