Đầu tư cho năng lượng tái tạo: Vẫn dừng ở tiềm năng
Dù có tiềm năng về năng lượng tái tạo (NLTT), tuy nhiên, việc đầu tư cho phát triển NLTT ở Việt Nam lại chưa tương xứng với thế mạnh sẵn có.
Năng lượng tái tạo tại Việt Nam có tiềm năng lớn
Tiềm năng lớn
Theo ông Phạm Trọng Thực - Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), Việt Nam đang phải nhập khẩu năng lượng từ Trung Quốc và Lào. Với khả năng sản xuất hiện nay và tình hình phát triển kinh tế - xã hội thì dự báo từ năm 2017 trở đi, cả nước sẽ thiếu hụt lớn nguồn năng lượng sơ cấp.
Trong khi đó, các chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi nhất trong khu vực để phát triển nguồn NLTT từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải... Cụ thể, với gần 3.400km bờ biển, tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước tính khoảng 500 -1.000 kWh/m2 mỗi năm. Bên cạnh đó là nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/m2/ngày trên khắp cả nước. Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng dao động ở mức hơn 4.000MW mỗi năm.
Tổng tiềm năng lượng sinh khối của Việt Nam khoảng 73 triệu tấn/năm, trong đó sinh khối từ nông - lâm - ngư nghiệp là 60 triệu tấn/năm và từ rác thải khoảng 13 triệu tấn/năm. Nếu tận dụng các nguồn sinh khối này để phát điện thì công suất điện ước tính có thể lên tới 5.000MW.
Ông Phạm Trọng Thực khẳng định: Công suất NLTT đang được khai thác gồm thủy điện nhỏ, sinh khối, rác thải sinh hoạt, mặt trời và gió là khoảng 1.215MW, chỉ chiếm khoảng 3,4% tiềm năng về NLTT của Việt Nam; trong đó năng lượng mặt trời mới khai thác được khoảng 3% tiềm năng. Nếu tận dụng được nguồn năng lượng này, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ có nguồn năng lượng đáng kể tại chỗ. “Đây là giải pháp Chính phủ đang hướng tới để đạt mục tiêu đến năm 2020, 30% nguồn năng lượng là NLTT cung cấp cho các thành phố này, bảo đảm vấn đề môi trường, vệ sinh và các vấn đề khác. Đặc biệt là áp dụng NLTT cho giao thông đô thị. Nếu làm được việc này, chúng ta sẽ tăng khả năng phát triển xanh - sạch” - ông Thực nhấn mạnh.
Doanh nghiệp chưa “mặn mà”
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng các doanh nghiệp còn khá e dè khi đầu tư vào lĩnh vực NLTT. Đến nay, cả nước có 77 dự án điện gió, quy mô công nghiệp được đăng ký ở 18 tỉnh, thành phố với tổng công suất trên 7.000MW. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 dự án được triển khai và có điện bán vào hệ thống điện quốc gia với 48,2MW.
Xung quanh việc đầu tư cho NLTT, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Trưởng phòng NLTT, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, chi phí đầu tư cho dự án NLTT tương đối cao là thách thức để phát triển lĩnh vực này. Trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn thì giá bán điện thấp khiến các nhà đầu tư không mặn mà.
Ông Dũng cũng bày tỏ: “NLTT là mảng rất mới với các doanh nghiệp Việt Nam. Dù quyết tâm, song chúng tôi còn thiếu kinh nghiệm, năng lực về kỹ thuật và tài chính. Với các chính sách hỗ trợ về năng lượng gió, năng lượng mặt trời…, nhà nước đã thể hiện rõ quyết tâm về NLTT như: Ưu đãi về thuế thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp… Tuy nhiên, đó là chính sách thực hiện sau khi dự án thành công. Hiện tại, nhà đầu tư chưa được hưởng chính sách ưu đãi nên phải tính toán, nếu có khả năng thu lợi nhuận thì mới thực hiện”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh - nhận định: Rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp còn e dè khi đầu tư vào NLTT là những hạn chế về cơ chế chính sách. Trong khi khung thể chế, pháp lý mới chỉ hình thành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì các chính sách về NLTT lại chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong điều chỉnh các hoạt động năng lượng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của nước ta.
Cần chính sách hỗ trợ
Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2015. Đây có thể coi là nền tảng cho sự phát triển NLTT tại Việt Nam. Chiến lược nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực từ xã hội, phát triển NLTT với giá hợp lý để tăng dần thị phần NLTT trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng quốc gia.
Ông Bakhodir Burkhanov - Phó Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần sớm ban hành luật về NLTT, nhằm tạo điều kiện thuận lợi có tính đột phá để thúc đẩy thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia phát triển thị trường NLTT. “UNDP nhận thấy, khu vực tư nhân tin tưởng vào tiềm năng to lớn của thị trường NLTT ở Việt Nam. Mối quan tâm này khẳng định tầm quan trọng của sự cần thiết phải có những chính sách đúng đắn để có thể thực hiện cam kết và tối ưu hóa lợi ích chung từ NLTT. Trên thế giới, NLTT đang có nhiều thay đổi nhanh và tích cực về mặt kỹ thuật cũng như tài chính. Việt Nam cần tiếp cận và tận dụng được những đổi thay này” - ông Bakhodir Burkhanov nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Sơn Hà - cho rằng, để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển lĩnh vực NLTT, nhà nước cần có chính sách ưu đãi linh hoạt về NLTT, áp dụng cho giai đoạn nghiên cứu, thí điểm và những năm đầu sản xuất... Ngoài ra, cần có hành động đầu tư thiết thực và công bằng giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước với thành phần kinh tế tư nhân; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để sản xuất các sản phẩm sử dụng NLTT, từ đó nội địa hóa các sản phẩm này.
Từ thực tế trên, nhà nước cần có chính sách để thực hiện, tối ưu hóa lợi ích từ NLTT. Qua đó, góp phần bảo tồn năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm, biến đổi khí hậu, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế bền vững.
PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam: Phải thay đổi tư duy cả về cung và cầu
Giải quyết vấn đề năng lượng phải giải quyết cả vấn đề cung và cầu. Hiện nay, việc tiếp cận với phát triển năng lượng xem ra mới chỉ từ một phía nguồn cung như: Cơ cấu nguồn điện, giá cả thị trường năng lượng…, mà chưa quan tâm nhiều tới nguồn cầu. Phát triển năng lượng trong tình trạng thiếu nguồn cung thì tìm mọi cách bù đắp; trong khi sản xuất công nghiệp và nông nghiệp năng suất thấp dẫn đến việc tiêu tốn nguồn năng lượng lớn nhưng lại chưa có giải pháp căn cơ để tiết giảm nhu cầu.
Để giải quyết bài toán này, tôi cho rằng, Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 là mấu chốt. Bởi cuộc cách mạng này sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc và cơ cấu nhiều ngành công nghiệp, kết nối máy móc với điều kiện tự động, tạo ra người máy có trí thông minh nhân tạo, các hàng hóa, dây chuyền sản xuất tự động... Như vậy, nguồn năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt sẽ được bảo đảm. Đồng thời, nhu cầu tiêu tốn điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội cũng giảm đáng kể.
Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng sẽ mang theo cơ hội cho Việt Nam sản sinh ra nguồn năng lượng giá rẻ, tối ưu hóa nguồn NLTT. Tuy nhiên, khi chưa thể chuyển đổi hoàn toàn thì vẫn cần giám sát cả hai phía cung - cầu để bảo đảm sử dụng nguồn năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, phát triển các dự án năng lượng phải được xem xét kỹ lưỡng và giám sát chặt chẽ các cam kết về công nghệ, không gây ô nhiễm môi trường.
GS -Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: Sử dụng hiệu quả năng lượng
Giữa tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng năng lượng có mối liên quan chặt chẽ, thể hiện qua hệ số đàn hồi. Nhiều năm qua, hệ số đàn hồi ở Việt Nam đạt xấp xỉ 2 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm với mục tiêu giảm xuống còn dưới 1,5 lần để tránh áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Từ trước tới nay, chúng ta mới chỉ chú trọng đến nguồn cung chứ chưa quan tâm hoặc có nhưng ít đến nguồn cầu năng lượng.
Thời gian qua, nhà nước đã triển khai nhiều chương trình liên quan đến nhu cầu sử dụng năng lượng với sự hỗ trợ của cơ quan, đối tác nước ngoài nhằm phát triển kinh tế xanh, bền vững; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, giảm khí thải, kiểm toán năng lượng...
Đối với những thách thức về nguồn điện trong bối cảnh nhu cầu phụ tải tăng cao, chúng ta vẫn phải lựa chọn nhiệt điện than cho giai đoạn trước mắt. Mặt khác, phải tìm các nguồn khác thay thế cho 4.000 MW điện hạt nhân. Năng lượng tái tạo cũng là một giải pháp quan trọng, nhưng muốn đẩy mạnh phát triển cần có những điều kiện từ chính sách, kỹ thuật, đặc biệt là cơ chế giá để khuyến khích đầu tư. Trước mắt, có thể khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp mái nối lưới một cách rộng rãi với chính sách thích hợp. Dù công suất không lớn, nhưng cũng giải quyết phần nào nhu cầu ở hộ gia đình và khu vực nhỏ.
TS. Phương Hoàng Kim - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương): Cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng
Đến nay, các nguồn thủy điện lớn ở Việt Nam cơ bản đã khai thác hết, NLTT có tiềm năng, nhưng suất đầu tư cao dẫn đến giá thành cao; giá mua điện mặt trời theo quyết định mới của Chính phủ là 9,35cent, như vậy phải bù lỗ hơn 2 cent/kWh (chưa kể giá truyền tải và các chi phí khác). Nếu tính cả đầu tư hạ tầng đấu nối, nguồn dự phòng, chi phí còn cao hơn. Trước thực tế trên, nhiệt điện than vẫn là một trong những lựa chọn của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia phát triển, có tiềm lực kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc... Vấn đề ở đây là lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, vừa đáp ứng những yêu cầu về môi trường, xã hội. Tuy nhiên, chi phí đầu tư sẽ cao hơn khoảng 10- 20%. Điều này sẽ tác động lên giá điện và đây là bài toán thực sự khó khăn.
Nhìn chung, các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam đang vận hành, đầu tư đều sử dụng công nghệ cao, đáp ứng được yêu cầu về môi trường theo quy định; có đầy đủ hệ thống phụ trợ để xử lý môi trường như hệ thống lọc bụi tĩnh điện, khử lưu huỳnh, xử lý thu gom xử lý tro xỉ thải, đồng thời mở cửa cho nhân dân giám sát, tăng cường tính công khai minh bạch…
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội như hiện nay, nguy cơ thiếu hụt năng lượng cho phát triển kinh tế là hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời. Tuy nhiên, để nhân dân hiểu rõ, chia sẻ và đồng thuận, rất cần sự đồng hành của các cơ quan truyền thông.
Nguồn: nangluongsachvietnam.vn