Giải pháp công nghệ tưới nước Israel về vùng đất khô hạn nhất miền Trung
Gần đây, một số mô hình trồng trọt công nghệ cao đã được nông dân Quảng Trị áp dụng, mang lại hiệu quả cao. Từ đó, người dân ngày càng mạnh dạn để đầu tư, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Tưới công nghệ cao
Đối với Quảng Trị, vùng đất khô cằn, thường xuyên gánh chịu hạn hán thì tiết kiệm nước là điều nông dân nào cũng mong muốn và cần phải có để đảm bảo năng suất cây trồng.
Anh Lê Anh Xuân (trú thôn Cam Vũ 1, xã Cam Thủy, Cam Lộ) cho biết, trước đây 4 sào (2.000m2) lạc của nhà anh phụ thuộc vào thời tiết, nếu nắng nóng kéo dài, mưa ít, ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, kết trái thì năng suất thấp, thu nhập không đáng kể so với vốn, công sức bỏ ra. Nhiều người bỏ trồng lạc chuyển qua các cây trồng khác cũng không mấy hiệu quả.
Đang lúc âu lo, người dân nhận được tin vui khi UBND huyện Cam Lộ hỗ trợ vốn triển khai mô hình tưới tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt) cho cây lạc bằng ống phun theo công nghệ Israel. Mô hình có kinh phí hơn 160 triệu đồng, áp dụng cho 7,8 ha, theo phương pháp trồng phủ nylon của 76 hộ dân thôn Cam Vũ 1. Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, cây lạc của người dân phát triển xanh tốt, năng suất rất cao.
Ở Quảng Trị, cà gai leo là cây có nhiều công dụng tốt trong điều trị viêm gan virus, hạ men gan, xơ gan, giải độc gan… Tuy nhiên, loại cây này không dễ trồng vì phải có nước tưới thường xuyên. Bởi vậy, khi vùng gò đồi khô cằn sỏi đá thôn An Mỹ (xã Cam Tuyền, Cam Lộ) mới đây xuất hiện mô hình trồng cây cà gai leo bằng công nghệ tưới nhỏ giọt khiến nhiều nông dân quan tâm, học hỏi.
Cà gai leo được trồng bằng phương pháp phủ bạt nylon, tưới nhỏ giọt phát triển tốt. 4 tháng sau khi trồng có thể thu lứa cà gai leo đầu tiên bằng cách bứt ngang gần sát gốc. Cây cà gai leo có thể thu hoạch liên tục trong 3 năm, mỗi năm 3-4 đợt, năng suất từ 3-5 tấn/ha. Mỗi kg cà gai leo sau khi phơi khô có giá dao động từ 70.000-80.000 đồng, còn nếu nấu cao thì 10kg tươi nấu được khoảng 5-7gam cao đặc, giá cao hơn nhiều. Doanh thu trồng cà gai leo từ 120-150 triệu đồng/ha.
Ông Ngô Quang Chiến – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, trước đây nông dân thường tưới cây vào mỗi buổi sáng sớm và chiều muộn. Tuy nhiên, tưới bằng vòi bơm bình thường mất quá nhiều nước, chi phí cao. Mô hình tưới nhỏ giọt công nghệ Israel có nhiều ưu điểm vượt trội, được thiết kế gồm các đường ống chính chạy dọc các luống cây trồng. Máy bơm sẽ đẩy trực tiếp nước đến các ống có đục lỗ rất nhỏ, tạo nên những giọt nước nhỏ vào gốc cây trồng. Hệ thống tưới thấm tiết kiệm của Israel có chi phí không quá cao. Bộ máy bơm đẩy trị giá khoảng 10 triệu đồng, mỗi mét ống tưới có giá 2.000-3.000 đồng. 1 sào (500m2) cần 400.000 đồng tiền bạt phủ giúp giữ độ ẩm, và chống cỏ mọc.
Trồng rau thủy canh
Hiện, mô hình trồng rau sạch của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang – Hải Lăng garden (huyện Hải Lăng) đang là tâm điểm chú ý của Quảng Trị. Lý do, đây là mô hình trồng rau sạch thủy canh trong nhà kính, sử dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh nhà.
Ông Trần Đới – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang – Hải Lăng garden cho biết, ban đầu mới đầu tư 2 tỷ đồng cho 2.000m2. UBND huyện ủng hộ cho 300 triệu đồng, còn 17 thành viên của HTX đóng góp mỗi người 100 triệu đồng để xây dựng mô hình.
Rau xà lách được HTX trồng ở môi trường thủy canh trong nhà kính, có hệ thống phun sương, quạt mát, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… nên phát triển tốt. Sau khi gieo ươm hạt 20 ngày, cho rau trồng vào khau thủy canh 20-23 ngày nữa là thu hoạch. Tổng sản lượng lứa đầu tiên của HTX thu hoạch khoảng 1,8 tấn rau xà lách (mỗi ngày thu hoạch 60kg), cung cấp cho thị trường nội tỉnh với giá 50-60.000 đồng/kg. Ông Trần Đới cho biết, nối tiếp thành công, HTX sẽ mở rộng sản xuất các loại rau khác, cà chua và hoa.
Bà Nguyễn Hồng Phương – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị cho biết, trên địa bàn có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như tưới nhỏ giọt ở hồ tiêu, dứa, cây dược liệu, cà gai leo, lạc, rau… Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đang là xu hướng của thời đại, giúp nâng cao giá trị sản xuất, phòng chống sâu bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguồn: sihub.vn