Đôi nét về sản xuất, tiêu dùng bền vững và dự án Eco-fair
Ngày nay, sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng hiện đại mà các nước trên thế giới đang áp dụng phổ biến, và xu hướng này cũng đang dần hình thành ở nước ta. Ngày 11/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược hướng tới bảo toàn chuỗi giá trị của nguyên vật liệu, năng lượng trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Các sản phẩm đạt chứng nhận Eco-fair (sinh thái - công bằng) là bước đầu của mục tiêu hình thành cộng đồng sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Nguồn: Ảnh mang tính chất minh họa từ maikii.com
Ngày nay, sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng hiện đại mà các nước trên thế giới đang áp dụng phổ biến, và xu hướng này cũng đang dần hình thành ở nước ta. Ngày 11/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược hướng tới bảo toàn chuỗi giá trị của nguyên vật liệu, năng lượng trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Các sản phẩm đạt chứng nhận Eco-fair (sinh thái - công bằng) là bước đầu của mục tiêu hình thành cộng đồng sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Khi Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), sự chú ý chặt chẽ đến các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, tiêu chuẩn lao động, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học cũng được đưa vào trong các thỏa thuận, đặc biệt là điều khoản cụ thể liên quan đến việc quảng bá các sản phẩm eco-fair.
“Sinh thái - công bằng” (Eco-fair) có thể hiểu là sự kết hợp của quá trình sản xuất “sinh thái” và thương mại “công bằng”. Sản xuất “sinh thái” tuân theo các yêu cầu của môi trường bền vững, vòng đời sản phẩm và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Còn thương mại “công bằng” là tôn trọng bình đẳng giới, nhu cầu của người khuyết tật, quyền của người thiểu số và người bản địa, cũng như thanh toán công bằng. SCP và các nguyên tắc Eco-fair sẽ đảm bảo các quyền nêu trên của các nhà sản xuất trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nông nghiệp ở Việt Nam.
Các sản phẩm sinh thái – công bằng mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, bởi đây là nguồn sản phẩm uy tín, chất lượng, tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ các sản phẩm bền vững làm giảm các tác động từ việc tiêu dùng đến môi trường, đem tới người tiêu dùng cảm giác đang làm việc có ý nghĩa và đúng đắn. Bằng cách lựa chọn các sản phẩm này, người tiêu dùng góp phần thay đổi nhận thức và trách nhiệm xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho thế hệ mai sau.
Hòa Nguyễn