Hiện trạng sử dụng và tiềm năng sinh khối của cây keo tại Việt Nam

 

Keo là một trong những loại cây rừng trồng chủ yếu tại Việt Nam, mang lại hiệu quả cả về kinh tế và sinh thái môi trường. Theo cục Kiểm lâm Việt Nam, diện tích rừng trồng keo ở Việt Nam khoảng trên 1 triệu ha chiếm hơn 30% tổng diện tích rừng trồng tại Việt Nam và là nguồn nguyên liệu chính cho các ngành công nghiệp sản xuất giấy, ván gỗ, dăm gỗ, đồ gỗ xuất khẩu,… vì vậy nguồn sinh khối keo rất phong phú và nhiều tiềm năng. Theo nghiên cứu của Vũ Tấn Phương* (2006) cho thấy rằng khu vực phía Bắc sinh khối tươi của keo lai tuổi 5 và 6 đạt 175 tấn/ha và 235 tấn/ha, với sinh khối khô tương ứng là 93,04 tấn/ha và 110,38 tấn/ha. Nghiên cứu của Trần Quang Bảo** (2019) đã chỉ ra rằng lâm phần rừng keo lai từ tuổi 2 đến tuổi 6 có tổng sinh khối tươi dao động từ 28,8 tấn/ha đến 259,5 tấn/ha và tổng sinh khối khô dao động từ 12,7 tấn/ha đến 131,2 tấn/ha. Tuy nhiên do sản xuất và khai thác chưa đúng cách nên nguồn phụ phẩm từ keo đang bị coi là rác thải tự nhiên gây lãng phí, cụ thể như tình trạng đốt rừng sau khai thác, mùn cưa ở xưởng chế biến gỗ nhỏ, lẻ ở miền Bắc để ẩm mốc. Nếu tận dụng được nguồn nhiên liệu này sẽ mang lại lợi ích kép, vừa cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế, vừa  bảo vệ môi trường. 

Hình 1. Người dân thu hoạch gỗ ở Thái Nguyên

(Nguồn Internet)

Hình 2. Mùn cưa và vụ gỗ tại các cơ sở chế biến gỗ

nhỏ lẻ tại Thái Nguyên (Nguồn Internet)

       Nhằm giải quyết các vấn đề cốt lõi trên, Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) và các đối tác đã khởi động dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam” (BEST). Với công nghệ VCBG, những phế phụ phẩm trong ngành khai thác keo tại Việt Nam có thể được sử dụng làm nhiên liệu để tạo ra nhiệt với chi phí thấp, nguồn năng lượng sạch đáp ứng nhu cầu sản xuất của các hộ kinh doanh vừa và nhỏ, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Việc khai thác hết tiềm năng sinh khối keo để sản xuất năng lượng sạch từ sinh khối là giải pháp được coi là hiệu quả cả về chi phí và quản lý chất thải ở các vùng nông thôn tại Việt Nam, đặc biệt là ở 4 tỉnh của dự án là Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang, và Yên Bái.

Chú thích:

(*) Vũ Tấn Phương (2006). Nghiên cứu trữ lượng carbon thảm tươi và cây bụi - Cơ sở để xác định đường carbon cơ sở trong dự án trồng rừng/tái trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch ở Việt Nam. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

 (**) Trần Quang Bảo Nghiên cứu sinh khối và khả năng hấp thụ CO2 của rừng trồng keo tại Bà Rịa Vũng Tàu. Tạp chí khoa học và công nghệ Lâm Nghiệp 2019.

Yến Lê

Đối tác