Tàn dư cây trồng, từ ô nhiễm thành năng lượng
Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghiệp, nhu cầu tiêu dùng năng lượng tăng lên chóng mặt, trong khi đó, nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Sử dụng nhiên liệu hóa thạch còn gây ra các vấn đề về môi trường gồm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và đất. Việc chuyển đổi sang sử dụng các loại nhiên liệu xanh như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối là xu thế tất yếu.
Việt Nam là một nước nông nghiệp có hệ thực vật rất đa dạng, vì vậy, nước ta được đánh giá là có tiềm năng lớn về năng lượng sinh khối. Năng lượng sinh khối có thể hiểu đơn giản là nguồn năng lượng có nguồn gốc từ vật “sống”, bao gồm phế phẩm nông - lâm nghiệp (rơm rạ, thân/lõi ngô, bã mía, mùn cưa, vỏ cây, lá khô, vụn cây…) và chất thải từ động vật. Tổng lượng tàn dư có nguồn gốc từ thực vật là 120 triệu tấn, 70 triệu tấn phân động vật và 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, chỉ có khoảng 11% lượng sinh khối thực vật được sử dụng, còn lại bị đốt và thải bỏ tương đương với 44,8 triệu tấn dầu DO trị giá 34,7 tỷ USD. Hàng năm, cứ đến vụ thu hoạch lúa, khói bụi từ việc đốt rơm rạ ngoài đồng tràn ngập khắp các địa điểm từ thành thị đến nông thôn, gây ô nhiễm không khí, cản trở giao thông do ảnh hưởng tầm nhìn, lãng phí tài nguyên. Ngoài ra, đốt các loại cây trồng khác như thân cây lạc, thân lõi ngô ngoài đồng cũng gây ra ô nhiễm cục bộ.
Hình ảnh một số loại tàn dư nông – lâm nghiệp (nguồn internet).
Có thể nhận thấy, tiềm năng sinh khối của Việt Nam là rất lớn, nếu lượng sinh khối này được đặt đúng chỗ sẽ góp phần giảm ô nhiễm không khí, tiết kiệm tài nguyên và đem lại lợi ích kinh tế. Theo Luật BVMT năm 2020, “phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, năng lượng hoặc xử lý theo quy định, không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường”. Nhà nước hiện nay đã có các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sinh khối, giá điện sinh khối tăng từ 1.634 đồng/kWh lên 1.968 đồng/kWh (giá chưa bao gồm GTGT). Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) kết hợp cùng Oxfam thực hiện dự án “Công nghệ Khí hóa sinh khối – Giải pháp năng lượng bền cững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam (BEST)” để tận dụng tàn dư thực vật cho quá trình chế biến nông sản tại 4 tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai và Tuyên Quang. Dự kiến 1,4 triệu tấn sinh khối thực vật được sử dụng làm nhiên liệu, góp phần giảm 2 triệu tấn CO2. Dự án sẽ đóng góp vào việc giảm ô nhiễm môi trường, tăng sinh kế cho người dân và góp phần cải thiện bình đẳng giới.
Thảo Nguyễn.