Những điều bạn nên biết về Nông nghiệp Hữu cơ.

Quá trình đô thị hóa tăng nhanh làm thu hẹp lại diện tích nông nghiệp, cùng với đó là việc gia tăng dân số làm tăng nhu cầu về lương thực thực phẩm. Để đảm bảo được nhu cầu về thức ăn cho con người và vật nuôi, thế giới phát triển các phương thức canh tác hiện đại, tiến tiến nhằm tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo về thực vật trong nông nghiệp làm giảm chất lượng nông sản, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Đặc biệt ở nước ta hiện nay, tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức diễn ra rất phổ biến, vấn đề quản lý chất lượng nông sản còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, việc phát triển mô hình nông nghiệp tạo ra thực phẩm an toàn chất lượng tốt là rất cần thiết. Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là phương thức sản xuất nông nghiệp dựa trên cơ sở sử dụng các chu trình sinh học có trong tự nhiên, là phương thức duy trì cân bằng sinh thái trong hệ thống canh tác và sử dụng nguồn tài nguyên vốn có theo cách bền vững.

Trang trại trồng rau hữu cơ tại hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đông Sang, tỉnh Sơn La (Tham gia dự án Eco-fair với CCS).

Mục đích của NNHC bao gồm:

ü Sản xuất lượng thực, thực phẩm có chất lượng, an toàn;

ü Tăng cường các chu kỳ sinh học trong các hệ thống canh tác;

ü Duy trì và tăng độ phì nhiêu cho đất;

ü Làm việc trong một hệ thống khép kín, nếu điều điện cho phép;

ü Tránh ô nhiễm nảy sinh từ nông nghiệp;

ü Giảm thiểu việc sử dụng những tài nguyên không tái sinh được;

ü Cùng tồn tại và bảo vệ môi trường.

Nguyên tắc của NNHC:

-        Bảo toàn sinh thái trang trại/vùng sản xuất: dừng sử dụng hóa chất nông nghiệp, đặc biệt là thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Bảo tồn môi trường xung quanh và các loài thực vật địa phương đang có trong vùng sản xuất có lợi cho việc cải thiện đa dạng sinh học.

-        Cải thiện mối cân bằng sinh thái và dinh dưỡng đất: cải thiện đất bằng vật liệu hữu cơ và làm tăng tính đa dạng sinh học. Có thể áp dụng các biện pháp luân canh hoặc xen canh cây trồng.

-        Coi trọng các quy luật tự nhiên, không lấy mục đích sản xuất đấu trang với thiên nhiên, cố gắng học từ thiên nhiên và điều chỉnh hệ thống canh tác phù hợp với các phương pháp tự nhiên.

-        Ngăn ngừa sự ô nhiễm từ bên ngoài

-        Tự cấp vật liệu sản xuất

Vai trò của NNHC

Mô hình canh tác NNHC có tính thân thiện với môi trường, sử dụng các biện pháp nông nghiệp mang tính sinh thái bền vững, dựa trên tác động qua lại của các yếu tố đất đai, cây trồng, vật nuôi, con người, môi trường sinh thái. NNHC cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mực và gây ô nhiễm các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại và có chất lượng cao.

Trang trại trồng rau hữu cơ tại hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đông Sang, tỉnh Sơn La (Tham gia dự án Eco-fair với CCS).

Canh tác NNHC còn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Nông nghiệp truyền thống cùng với việc phá rừng và đốt nương rẫy đã đóng góp 30% lượng thải khí CO2 và 90% khí NO2 và không khí. Sản xuất NNHC thải ra lượng khí nhà kính thấp hơn 64% so với sản xuất nông nghiệp theo lối truyền thống. Theo nhiều nghiên cứu, cánh đồng canh tác hữu cơ có thể hấp thụ 3 – 8 tấn cacbon, cao hơn so với canh tác truyền thống.

NNHC có tác động tích cực đến môi trường đất, làm tăng độ phì của đất, bổ sung lượng chất hữu cơ cho đất, tăng khả năng giữ nước, ... Đặc biệt là việc sử dụng phân compost đã tác động tích cực đến các tính chất lý – hóa – sinh học của đất. Luân canh, xen canh, gối vụ các cây trồng với nhau có tác động tích cực như tăng sinh khối trên một đơn vị diện tích đất trồng để bổ sung dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra, trồng xen canh cây họ đậu có khả năng cố định đạm, tăng nguồn dinh dưỡng cho đất, phục hồi suy thoái đất và tăng độ phì nhiêu đất rất nhanh và hiệu quả. Luân canh và xen canh còn giảm các loại sâu bệnh hại cây trồng.

 

Thực phẩm hữu cơ giàu chất dinh dưỡng hơn thực phẩm thông thường. Trong thực phẩm hữu cơ có hàm lượng chất oxi hóa, chất khoáng hữu ích và các vitamin tự nhiên cao hơn giúp ngăn ngừa bệnh ung thư. Theo kết quả nghiên cứu của Nadia (2007)*, thực phẩm hữu cơ chứa nhiều chất chống oxi hóa và ít các chất béo có hại cho sức khỏe hơn: Chất chống oxi hóa trong sữa hữu cơ nhiều hơn 50% đến 80% so với trong sữa thường; đối với ngũ cốc, khoai tây hữu cơ, cải bắp, hành và rau diếp thì tỷ lệ này là 20% đến 40%. 

Đặc điểm của NNHC:

Trong vài năm tới đây, hy vọng với những đặc điểm và vai trò nổi bật của nông nghiệp hữu cơ so với nông nghiệp truyền thống, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ sớm có những bước tiến chuyển đổi nhanh và phủ trên diện rộng của toàn lãnh thổ: nhằm cải thiện chất lượng môi trường và sức khỏe toàn dân; góp phần xây dựng một xã hội xanh, sạch cho thế hệ tương lai.

 

Chú thích:

(*) Nadia El- Hage Scialabba (2007), “Organic agriculture and food security”, foodand agricutural organizantion of the United Nations, Italy.

 

Nguyễn Thảo.

 

Đối tác