Giới thiệu và lập kế hoạch triển khai dự án BEST tại tỉnh Lào Cai

LCĐT – Sáng ngày 25/11, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) cùng OXFAM tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Giới thiệu và lập kế hoạch triển khai dự án BEST tại tỉnh Lào Cai”.

 

Tham dự hội thảo có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; đại diện các huyện, thành phố, thị xã; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, chế biến nông - lâm sản trên địa bàn tỉnh và các đơn vị có liên quan.

 

 

Quang cảnh hội thảo.

 

Dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam” (BEST) do Liên minh châu Âu tài trợ được thực hiện trong 4 năm (từ 2020 đến 2024). Dự án do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam quản lý và phối hợp thực hiện cùng Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) triển khai tại 4 tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái.

 

 

Đại biểu thảo luận tại hội thảo. 

 

Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy chế biến nông sản bền vững và góp phần quản lý chất thải ở Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn ứng dụng công nghệ khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích (VCBG) như một nguồn năng lượng tái tạo. Tại hội thảo, đại diện Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) đã giới thiệu đến các đại biểu những thông tin cơ bản của công nghệ khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích (VCBG) và lợi ích đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam. Theo đó, VCBG là công nghệ đốt các vật liệu có nguồn gốc sinh học trong điều kiện thiếu oxy. Về cơ bản, vật liệu sinh khối được đưa vào qua bộ phận cấp liệu của thiết bị VCBG và khí gas tổng hợp được tạo ra trong buồng phản ứng. Sau đó, khí gas được đốt sinh nhiệt tại đầu đốt của thiết bị. 

 

 

Các đại biểu tham quan khu trưng bày các vật liệu sinh khối.

 

Các vật liệu sinh khối được sử dụng trong công nghệ này có thể là nguồn rác thải sinh khối sẵn có ở địa phương như thân lõi ngô, cây sắn, mùn cưa, gỗ vụn, mảnh dăm và vỏ cây, trấu, rơm rạ... Công nghệ VCBG có hiệu quả sử dụng thể tích thiết bị gấp 3 lần so với các hệ thống khí hóa liên tục công nghiệp, chi phí sản xuất thấp (khoảng 4 USD/kwh); tiết kiệm tới 50% chi phí so với đốt bằng than đá và 80% chi phí so với đốt bằng gas hoặc dầu; không tạo ra chất độc trong quá trình đốt, an toàn cho sức khỏe người sử dụng; tận dụng được nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, giảm chất thải, bảo vệ môi trường; tạo thêm việc làm và thu nhập từ việc thu gom và cung cấp sinh khối; tăng thêm thu nhập từ việc kinh doanh than sinh học (một sản phẩm của việc ứng dụng VCBG)…

 

 

Các đại biểu tham quan khu trình diễn thiết bị VCBG.

 

Tại tỉnh Lào Cai, nhóm chuyên gia đã và đang phối hợp với các nhóm cộng tác viên địa phương để triển khai việc thu thập số liệu phục vụ xây dựng cơ sở nền cho dự án tại các địa phương (Văn Bàn, Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, thành phố Lào Cai). Dự kiến đến tháng 6/2022, dự án sẽ tiến hành lắp đặt công nghệ khí hóa sinh khối tại các điểm trình diễn… Hội thảo là dịp để cán bộ của dự án và các đại biểu thảo luận, chia sẻ thông tin về nhu cầu và cách thức triển khai dự án tại địa phương.

 

Theo Kim Thoa - Báo Lào Cai

 

Đối tác